43 Trang Quan, An Đồng, An Dương, Hải Phòng +84912155139 ptho@dtmarinetek.com

Nga hạ thủy tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam

Ngày 14-05-2020 Lượt xem 2109

Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn các nguồn tin cho biết nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi đã hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 đầu tiên trong lô hàng 6 chiếc cho Việt Nam.

Một nguồn tin tiết lộ: “Chiếc tàu ngầm đầu tiên được hạ thủy ngày 28-8 và sẽ được thử nghiệm không lâu sau đó”. Dự kiến chiếc tàu được chuyển giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và toàn bộ 6 chiếc sẽ đến Việt Nam từ nay đến năm 2016.

Số tàu ngầm trên nằm trong hợp đồng trị giá gần 2 tỉ USD được ký kết vào tháng 12-2009 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Liên bang Nga.
Đây là một trong những hợp đồng xuất khẩu khí tài lớn nhất lịch sử hải quân Nga. Bên cạnh việc cung cấp tàu ngầm, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov tuyên bố Nga cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và một cơ sở sửa chữa bảo trì.
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga sẽ được chuyển giao cho Việt Nam từ nay đến năm 2016.
Tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 chạy bằng động cơ điện - diesel, có độ choán nước 3.100 tấn, tốc độ tối đa khoảng 37 km/giờ. Nó có thể lặn sâu 300 m và chở theo thủy thủ đoàn gồm 52 người. Vũ khí trang bị trên tàu gồm hệ thống phóng ngư lôi 533 mm cùng các loại ngư lôi, thủy lôi và tên lửa hành trình Kaliber 3M54.
Cũng theo RIA Novosti, tàu ngầm lớp Kilo có biệt danh “Lỗ đen” nhờ khả năng “ẩn mình” hoàn hảo dưới nước. Được đánh giá là một trong các loại tàu ngầm hoạt động “im hơi lặng tiếng” nhất, tàu ngầm lớp Kilo thích hợp với các nhiệm vụ trinh sát, do thám, tuần tra cũng như chiến đấu chống tàu chiến và tàu ngầm trong vùng nước tương đối nông.

Tại Diễn đàn An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra ở Singapore vào tháng 6-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, khẳng định việc Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga là bình thường, công khai, minh bạch và cho biết các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

Nguồn : Người lao động